
Thuế quan là gì và cách thức hoạt động như thế nào?
Thuế quan là thuế hoặc thuế hải quan mà chính phủ áp cho hàng hóa nhập khẩu hoặc xuất khẩu.
Thuế quan có thể ảnh hưởng đến giá thành, nguồn gốc của hàng hóa và cách thức vận chuyển hàng hóa qua biên giới. Việc hiểu rõ cách thức hoạt động của thuế quan – cũng như cách giảm thiểu tác động của thuế quan – có thể giúp doanh nghiệp quản lý chi phí, vượt qua khâu thông quan hải quan và duy trì năng lực cạnh tranh trong bối cảnh thương mại toàn cầu.
Dưới đây là những nội dung mà bạn sẽ thấy trên trang này:
Thuế quan là các khoản phí được áp dụng đối với hàng hóa khi nhập khẩu vào một quốc gia. Thuế quan thường được áp dụng khi sản phẩm vượt qua biên giới quốc gia và có thể ảnh hưởng đến chi phí cuối cùng của những hàng hóa đó.
Thuế quan được dùng để điều tiết hoạt động thương mại, bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước và tạo doanh thu. Tuy nhiên, thuế quan cũng có thể làm tăng chi phí và gây khó khăn cho quá trình vận chuyển hàng hóa toàn cầu.
Thuế quan trong thương mại là gì?
Thương mại và thuế quan có mối liên hệ chặt chẽ vì thuế quan đóng vai trò trung tâm trong cách các quốc gia điều tiết hàng nhập khẩu. Ví dụ: chính phủ có thể sử dụng thuế quan để bảo vệ các doanh nghiệp địa phương, tăng thu nhập và kiểm soát lưu lượng mậu dịch.
Tuy nhiên, thuế quan cũng có mặt hạn chế. Thuế quan có thể làm tăng chi phí hàng hóa và dẫn đến những thách thức trong chuỗi cung ứng. Vì vậy, việc hiểu rõ cách thức hoạt động của thuế quan và tác động của thuế quan đến giá cả thương mại là điều hết sức quan trọng đối với các nhà nhập khẩu và xuất khẩu.
Thuế quan thường được áp dụng trong quá trình thông quan hải quan và có thể ảnh hưởng đến loại hàng hóa mà doanh nghiệp lựa chọn nhập khẩu cũng như chi phí của hàng hóa đó khi đến tay người tiêu dùng.
Thuế quan thường được áp dụng dựa trên quốc gia gửi hàng, tức nơi sản xuất hàng hóa, chứ không nhất định là nơi hàng hóa được gửi đi. Điều này có thể ảnh hưởng đến việc liệu thuế quan có được áp dụng hay không và theo mức thuế suất nào.
Sự khác biệt giữa thuế quan, thuế hải quan nhập khẩu và thuế
Các thuật ngữ thuế quan, thuế hải quan nhập khẩu và thuế đôi khi được gộp chung và sử dụng thay thế cho nhau để chỉ các khoản phí phải trả khi nhập khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, ý nghĩa của các thuật ngữ này vẫn có chút khác biệt.
Thuế quan là một loại thuế hải quan nhập khẩu, nhưng không phải tất cả các loại thuế hải quan đều là thuế quan. Các loại thuế hải quan nhập khẩu khác có thể kể đến gồm:
-
Thuế đối ứng: Có thể được áp dụng khi một sản phẩm nhận được trợ cấp từ chính phủ tại quốc gia xuất xứ.
-
Thuế chống bán phá giá: Có thể được áp dụng khi hàng hóa được bán với mức giá thấp hơn giá trị thị trường hợp lý.
Các loại thuế, chẳng hạn như Thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) hoặc Thuế giá trị gia tăng (VAT), cũng có điểm khác biệt. Các loại thuế này thường được thêm vào sau khi thông quan hải quan và áp dụng cho cả hàng hóa nhập khẩu lẫn hàng hóa sản xuất trong nước.
Thuế thường được tính dựa trên giá bán và không thường được sử dụng để quản lý hoạt động thương mại quốc tế.
Rào cản phi thuế quan là gì?:
Một số quốc gia và vùng lãnh thổ sử dụng các quy tắc thương mại được gọi là rào cản phi thuế quan, tức là không áp dụng phí đối với hàng hóa nhập khẩu tại biên giới. Thay vào đó, rào cản phi thuế quan là các hạn chế nhằm kiểm soát hàng nhập khẩu theo những cách khác, chẳng hạn như hạn chế số lượng, yêu cầu giấy phép đặc biệt hoặc áp đặt các tiêu chuẩn an toàn hoặc ghi nhãn nghiêm ngặt.
Thuế quan nhập khẩu được chia thành một số loại, chẳng hạn như:
-
Thuế quan tính trên giá trị
Đây là loại thuế được tính dựa trên tỷ lệ phần trăm theo giá trị khai báo của sản phẩm và thường được áp dụng cho các hàng hóa có giá trị cao như thiết bị điện tử, xe cộ và đồ nội thất. “Thuế quan tương hỗ” được Hoa Kỳ áp dụng vào năm 2025 là một ví dụ về thuế quan tính trên giá trị.
-
Thuế quan cụ thể
Đây là những khoản phí cố định được tính cho mỗi mặt hàng hoặc số lượng. Thuế quan cụ thể thường được áp dụng đối với các mặt hàng như thực phẩm, hàng dệt may và nguyên vật liệu thô.
-
Thuế quan hỗn hợp
Đây là loại thuế kết hợp giữa thuế quan tính trên giá trị và thuế quan cụ thể. Loại thuế này được tính dựa trên tỷ lệ phần trăm theo giá trị mặt hàng cộng với số tiền cố định trên mỗi đơn vị. Thuế quan hỗn hợp thường được áp dụng cho hàng hóa xa xỉ hoặc hàng hóa đặc thù.
Các loại thuế quan trong thực tế:
Loại thuế quan | Ví dụ về phí | Sản phẩm mẫu | Ví dụ về chi phí |
---|---|---|---|
Tính trên giá trị | 10% giá trị mặt hàng | TV trị giá 500 USD | Phí 50 USD |
Cụ thể | 3 USD trên mỗi đơn vị | 100 chiếc áo sơ mi | Phí 300 USD |
Hỗn hợp | 5% giá trị mặt hàng + 2 USD trên mỗi đơn vị | 50 chiếc túi xách trị giá 100 USD/chiếc | Phí 250 USD |
Để hiểu rõ hơn về mục đích của thuế quan, bạn nên tìm hiểu Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) và cách dư ba của Hiệp định này tiếp tục định hình các mối quan hệ thương mại ngày nay thông qua thúc đẩy hoạt động thương mại không phân biệt đối xử.
GATT được ký kết vào năm 1947 và đóng vai trò khung pháp lý điều chỉnh hoạt động của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Hiệp định này nhằm giảm bớt rào cản giữa các quốc gia thành viên và thúc đẩy hoạt động thương mại cởi mở hơn
Để đạt được mục tiêu trên, GATT yêu cầu các quốc gia phải đối xử bình đẳng với hàng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia thành viên. GATT cũng không khuyến khích các quốc gia áp dụng mức thuế quan quá cao hay sử dụng các chính sách thương mại nhằm tạo lợi thế không công bằng cho các ngành công nghiệp trong nước.
Điều này giúp tạo ra môi trường ổn định và dễ dự đoán hơn cho thương mại quốc tế, giúp các doanh nghiệp tự tin hơn khi hoạt động xuyên biên giới.
Thông thường, nhà nhập khẩu trong hồ sơ là bên chịu trách nhiệm nộp thuế quan.
Tuy nhiên, trong hợp đồng thương mại điện tử hoặc hợp đồng kho vận quốc tế, người bán, nhà môi giới hải quan hoặc đơn vị giao nhận hàng hóa cũng có thể đóng vai trò là nhà nhập khẩu trong hồ sơ.
DDP (Giao hàng đã nộp thuế) với DAP (Giao hàng tại nơi đến)
DDP: Giao hàng đã nộp thuế (DDP) là một quy tắc trong Incoterms®, đề cập đến thỏa thuận giao hàng trong đó người bán chịu mọi rủi ro phát sinh trong quá trình vận chuyển cho đến khi người mua nhận hàng hóa.
Điều này khiến người bán phải chịu trách nhiệm về các chi phí như thuế trong quá trình làm thủ tục thông quan xuất khẩu và nhập khẩu , phí bảo hiểm và phí vận chuyển. Tất cả chứng từ liên quan cũng sẽ do người bán quản lý cho đến khi hàng hóa được giao thành công đến quốc gia nhận hàng.
DAP: Giao hàng tại nơi đến (DAP) là một quy tắc trong Incoterms, trong đó người bán chịu trách nhiệm giao hàng hóa đến địa điểm được chỉ định của người mua.
Người bán chịu trách nhiệm về mọi rủi ro và chi phí liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa cho đến khi chúng đến địa điểm được chỉ định.
Khi hàng hóa đã sẵn sàng để được dỡ hàng tại địa điểm được chỉ định của người mua, người mua chịu trách nhiệm về các chi phí, rủi ro liên quan và thủ tục thông quan nhập khẩu.
Khi nào nên chọn DAP thay vì DDP?
Giao hàng đã nộp thuế có thể là lựa chọn hấp dẫn đối với người mua vì người bán chịu mọi rủi ro trong quá trình giao hàng hóa, nhưng người bán có thể tăng giá để chi trả chi phí bổ sungi.
Người bán cần thận trọng khi thỏa thuận bán theo quy tắc Giao hàng đã nộp thuế vì một số quốc gia bắt buộc nhà nhập khẩu phải hoạt động tại địa phương. Nếu người bán lường trước những thách thức về giấy phép nhập khẩu, DAP có thể là lựa chọn tốt hơn.
Thuế quan ảnh hưởng đến các nhà nhập khẩu, nhà xuất khẩu và người tiêu dùng như thế nào?
Để hiểu rõ hơn về đối tượng nộp thuế quan và mức độ ảnh hưởng của thuế quan đến giá cả thương mại, việc hiểu rõ cách chi phí được phân bổ trong chuỗi cung ứng sẽ rất hữu ích.
Mặc dù nhà nhập khẩu thường là bên chịu trách nhiệm nộp thuế quan, nhưng họ có thể tăng giá để bù đắp chi phí, điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cả người mua buôn lẫn người tiêu dùng cuối. Tác động này đặc biệt rõ rệt đối với các doanh nghiệp nhỏ vốn phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu. Ví dụ: họ có thể buộc phải tăng giá, giảm biên lợi nhuận hoặc chuyển sang các nhà cung cấp thay thế.
Thuế quan cũng có thể ảnh hưởng đến các nhà xuất khẩu. Họ có thể cảm thấy buộc phải giảm chi phí hàng hóa để bù đắp thuế quan hoặc có nguy cơ thua lỗ trong kinh doanh nếu nhà nhập khẩu chuyển sang các nhà cung cấp trong khu vực miễn thuế quan.
Ví dụ về cách thức hoạt động của thuế quan và ảnh hưởng với hoạt động thương mại
Ví dụ: Một nhà bán lẻ ở Úc nhập khẩu xe máy điện từ Trung Quốc. Mức thuế quan 10% làm tăng chi phí nhập khẩu. Nhà bán lẻ buộc phải tăng giá, dẫn đến nhu cầu giảm. Họ đang cân nhắc phương án mua hàng từ Việt Nam, nơi không áp thuế, để thay thế.
Ví dụ: Một nhà phân phối thiết bị điện tử tại Đặc khu Hành chính Hồng Kông chuyên nhập khẩu đồng hồ thông minh từ Trung Quốc đại lục, sau đó bán sang Hoa Kỳ. Khi Hoa Kỳ tăng thuế quan đối với hàng hóa từ Trung Quốc, công ty này sẽ phải tìm cách mở rộng sang các thị trường mới để duy trì biên lợi nhuận.
Ví dụ: Một nhà bán lẻ thời trang có trụ sở tại Singapore chuyên nhập khẩu túi xách từ Ý. Nhờ hiệp định thương mại tự do song phương nên những hàng hóa này không phải chịu thuế nhập khẩu. Điều này cho phép nhà bán lẻ duy trì mức giá cạnh tranh trong khi mở rộng dòng sản phẩm xa xỉ của mình.
Ví dụ: Một nhà xuất khẩu máy móc tại Trung Quốc phải đối mặt với thuế chống bán phá giá khi vận chuyển một số thiết bị nhất định sang Liên minh châu Âu. Để kiểm soát tác động, công ty chuyển hoạt động sản xuất một số linh kiện sang các nhà máy đối tác tại Đông Nam Á, nơi áp dụng mức thuế quan thấp hơn.
Bạn muốn biết cách tính thuế hải quan nhập khẩu và thuế quan? Sau đây là các bước hướng dẫn bạn tính toán thuế quan, bao gồm bước phân loại sản phẩm bằng Mã hệ thống áp thuế (HS) và kiểm tra các hiệp định thương mại hoặc trường hợp miễn thuế liên quan.



Đơn giản hóa quy trình tính toán thuế quan với FedEx
Tác động của thuế quan đối với các doanh nghiệp nhỏ có thể khiến họ cảm thấy quá sức. FedEx cung cấp công cụ để giúp các doanh nghiệp ước tính phí.
-
FedEx Global Trade Manager (GTM) là công cụ miễn phí hoạt động trên nền tảng web giúp bạn ước tính thuế hải quan và thuế dựa trên loại sản phẩm, nơi gửi hàng, nơi nhận hàng và giá trị khai báo.
-
Đối với các doanh nghiệp thương mại điện tử, FedEx cũng cung cấp một API cho phép hiển thị số tiền thuế hải quan và thuế ước tính ngay tại bước thanh toán.
Thông quan hải quan là thời điểm hàng hóa được cơ quan chức năng chính thức xem xét và phê duyệt để nhập khẩu vào một quốc gia. Thuế quan và các quy định thương mại giúp xác định cách thức xử lý lô hàng trong quá trình này, đồng thời xác định xem lô hàng đó thuộc diện cần thông quan chính thức hay không chính thức.
Nếu giá trị của lô hàng dưới ngưỡng quy định, lô hàng đó có thể đủ điều kiện thông quan không chính thức, điều này thường đồng nghĩa với việc cần ít biểu mẫu hơn, chi phí thấp hơn và thời gian xử lý nhanh hơn.
Tuy nhiên, lô hàng có thể cần trải qua quy trình thông quan chính thức nếu giá trị khai báo cao hoặc lô hàng thuộc diện chịu các quy định thuế quan đặc biệt. Quy trình này thường đòi hỏi nhiều thủ tục giấy tờ hơn, thời gian xem xét lâu hơn và bị nhân viên hải quan kiểm tra chặt chẽ hơn.
Đối với khách hàng, loại hình thông quan có thể ảnh hưởng đến thời gian giao hàng, tổng chi phí nhập khẩu và mức độ can thiệp cần thiết để vận chuyển hàng hóa qua biên giới.
Các phương thức vận chuyển tốt nhất để hỗ trợ thông quan hải quan:
- Cung cấp bản mô tả sản phẩm rõ ràng, bao gồm sản phẩm được làm từ chất liệu gì, được sử dụng để làm gì và quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nơi sản phẩm được sản xuất.
- Cung cấp Mã HS gồm 10 chữ số trên vận đơn hàng không và hóa đơn thương mại.
- Cung cấp Mã nhận dạng nhà sản xuất (MID) trên vận đơn hàng không và hóa đơn thương mại đối với các lô hàng thương mại thuộc bất kỳ danh mục hàng dệt may và hàng may mặc nào, bất kể giá trị hải quan (không bắt buộc đối với các lô hàng dệt may sử dụng cho mục đích cá nhân).
- Cần có Số đăng ký của công ty (EIN) hoặc Số an sinh xã hội đối với các sản phẩm sử dụng hình thức nhập khẩu chính ngạch để làm thủ tục thông quan vào Hoa Kỳ.
- Khi vận chuyển sản phẩm có chứa thép hoặc nhôm vào Hoa Kỳ, hãy cung cấp thêm các thông tin chi tiết như quốc gia luyện/nung chảy và tỷ lệ phần trăm của hàm lượng thép/nhôm.
Các thách thức thường gặp khi thông quan:
Thách thức | Mô tả |
---|---|
Thiếu mã HS | Nếu không có mã HS, cơ quan hải quan có thể không xác định được mức thuế hải quan hoặc thuế suất phù hợp. |
Mô tả sản phẩm không rõ ràng | Những mô tả chung chung có thể gây nhầm lẫn hoặc bị cơ quan hải quan từ chối. |
Chứng từ chưa đầy đủ | Việc thiếu hóa đơn, ID hoặc nhãn vận chuyển có thể khiến quá trình thông quan hải quan bị trì hoãn. |
Giá trị khai báo không chính xác | Giá trị khai báo sai có thể dẫn đến tình trạng nộp thiếu hoặc bị phạt. |
Mã số thuế chưa đăng ký hoặc bị thiếu | Một số quốc gia có thể yêu cầu mã số thuế hoặc số ID nhà nhập khẩu. |
Mẹo hay:
Trung tâm thuế quan FedEx giúp doanh nghiệp nhỏ vượt qua hệ thống thuế quan của Hoa Kỳ và thông quan hải quan suôn sẻ nhờ các mẹo xác định đúng mã HS cũng như ước tính thuế hải quan và thuế.
Vậy các doanh nghiệp có thể giảm chi phí thuế quan bằng cách nào? Bạn có thể bắt đầu từ việc tìm nguồn cung ứng thông minh. Tức là bạn phải cẩn thận lựa chọn địa điểm và cách thức mua hàng để giảm nguy cơ phải chịu mức thuế quan cao.
Ví dụ: bạn có thể cân nhắc:
-
Lựa chọn nhà cung cấp tại quốc gia hoặc vùng lãnh thổ có hiệp định thương mại tự do với nơi nhận hàng của bạn.
-
Kiểm tra xem bạn có đang sử dụng đúng mã HS hay không để đảm bảo tránh nộp dư thuế hải quan hoặc gặp sự cố trì hoãn hay bị phạt trong quá trình thông quan hải quan.
-
Việc xác nhận giá trị đã khai báo phản ánh chính xác giao dịch giúp bạn tuân thủ và tiết kiệm chi phí.
Một chuỗi cung ứng được quản lý tốt cũng có thể giúp giảm tác động của thuế quan đối với các doanh nghiệp nhỏ, ngoài việc giảm chi phí vận chuyển và cải thiện tốc độ giao nhận.
Doanh nghiệp nhỏ nên tự tìm hiểu về các vùng vận chuyển và cước phí vận chuyển, cách tính chi phí vận chuyển và tìm kiếm cơ hội tiết kiệm chi phí vận chuyển vì điều này có thể giúp bù đắp tác động của thuế quan.
Dưới đây là ba chiến lược mà các doanh nghiệp có thể sử dụng để cải thiện khả năng phục hồi và quản lý hiệu quả hơn các thách thức trong thương mại quốc tế.
1. Sử dụng các trung tâm phân phối khu vực
Khi đặt trung tâm phân phối gần các thị trường chính hơn, bạn có thể tránh được những lô hàng xuyên biên giới trong giai đoạn giao hàng chặng cuối. Việc bổ sung hàng tồn kho với số lượng lớn cũng góp phần giảm bớt chi phí bằng cách cho phép nộp thuế quan theo giá bán buôn, thay vì giá bán lẻ của lô hàng.
2. Xem xét việc gom hoặc tách lô hàng
Trong một số trường hợp, việc kết hợp các đơn hàng nhỏ thành một lô hàng lớn có thể giúp giảm chi phí vận chuyển và chi phí xử lý. Ví dụ: các gói hàng gom sẽ được thông quan hải quan như một lô hàng, từ đó tiết kiệm phí môi giới. Tuy nhiên, nếu vận chuyển các mặt hàng đến từ nhiều quốc gia hoặc vùng lãnh thổ, tốt nhất bạn nên chia nhỏ lô hàng. Nếu không, mức thuế suất cao nhất có thể được áp dụng cho tất cả các mặt hàng.
3. Đa dạng hóa nguồn cung ứng để giảm tình trạng phụ thuộc quá mức vào các khu vực có thuế quan cao
Việc phụ thuộc vào một nguồn cung duy nhất – đặc biệt nếu nguồn đó đến từ một quốc gia có mức thuế cao – có thể làm tăng rủi ro. Nhiều tổ chức đang đổi mới chuỗi cung ứng và đa dạng hóa mạng lưới nhà cung cấp để giảm thiểu rủi ro liên quan đến thuế quan.
Mẹo để ứng phó với tình huống thuế quan thay đổi
-
Xây dựng chiến lược ứng phó với thuế quan
-
Mở rộng sang các thị trường mới bằng cách tận dụng các hiệp định thương mại trong khu vực
-
Tối ưu hóa quy trình thông quan hải quan
-
Sử dụng các công cụ thương mại số để tinh giản hoạt động và hỗ trợ thực hiện các quy trình như ước tính thuế hải quan và thuế
-
Hợp tác với chuyên gia kho vận toàn cầu để được hỗ trợ
Thuế quan trong kinh tế học là gì?
Thuế quan là một loại thuế hải quan áp dụng cho hàng nhập khẩu. Thuế hải quan cũng có thể bao gồm các khoản phí như thuế chống bán phá giá hoặc thuế đối ứng.
Ai chịu trách nhiệm nộp thuế quan?
Nhà nhập khẩu trong hồ sơ thường chịu trách nhiệm nộp thuế quan, nhưng chi phí này có thể được chuyển sang cho người mua hoặc do người bán chịu.
Thuế quan được tính như thế nào?
Thuế quan được tính dựa trên phân loại sản phẩm (Mã HS), giá trị khai báo, nơi gửi hàng và các quy định thương mại hiện hành.
Thuế quan ảnh hưởng đến giá cả thương mại như thế nào?
Thuế quan có thể làm tăng giá cả thương mại do tăng giá hàng hóa sau khi đến nơi. Điều này có thể ảnh hưởng đến quyết định tìm nguồn cung ứng, vì các doanh nghiệp có thể tìm kiếm nhà cung cấp tại những quốc gia có mức thuế quan thấp hơn nhằm giảm chi phí. Thuế quan cũng có thể tác động đến nhu cầu khi tăng giá bán lẻ. Điều này có thể làm giảm mức chi tiêu của người tiêu dùng hoặc khiến họ chuyển sang ưu tiên các sản phẩm thay thế được sản xuất trong nước.
Các doanh nghiệp có thể giảm chi phí thuế quan bằng cách nào?
Sử dụng mã HS chính xác, tìm hiểu các trường hợp miễn thuế trong FTA, gom hàng vận chuyển và tin tưởng vào các đối tác chuyên nghiệp như FedEx.
Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) là gì?
Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) là một hiệp ước toàn cầu nhằm giảm bớt thuế quan và thúc đẩy các hoạt động thương mại công bằng.
Thuế quan có được chia thành nhiều loại không?
Có ba loại thuế quan khác nhau, bao gồm: thuế quan tính trên giá trị, thuế quan cụ thể và thuế quan hỗn hợp.
Thuế quan ảnh hưởng đến chi phí vận chuyển như thế nào?
Thuế quan có thể làm tăng chi phí hàng hóa sau khi đến nơi. Nếu không được tính toán chính xác và nộp đúng hạn, thuế quan cũng có thể dẫn đến việc trì hoãn thông quan, từ đó làm tăng thêm chi phí vận chuyển và lưu kho.
Thuế quan ảnh hưởng đến nguồn cung, giá cả và dịch vụ kho vận toàn cầu. Việc hiểu rõ thuế quan là gì, cách tính toán thuế quan và ai là người chịu trách nhiệm nộp thuế quan sẽ giúp doanh nghiệp quản lý chi phí và tuân thủ quy định.
Vì các quy định thương mại thường xuyên thay đổi nên bạn phải luôn cập nhật thông tin về thuế quan cũng như cách giảm thiểu rủi ro và bảo vệ biên lợi nhuận.
Đối với các doanh nghiệp vận chuyển đến Hoa Kỳ và đang tìm cách vượt qua giai đoạn biến động về thuế nhập khẩu của Hoa Kỳ, FedEx đã tạo ra một trung tâm thông tin để giúp bạn cập nhật thông tin và thích ứng.